Khi đầu tư chứng khoán, việc cổ phiếu rớt giá hay lỗ là điều không thể tránh khỏi. Đối với các nhà đầu tư F0 mới gia nhập thị trường thì chưa biết cần làm gì để giảm hao hụt. Để trở thành nhà đầu tư thành công, điều quan trọng nhất là kiểm soát được mức thua lỗ.
Cắt lỗ đúng thời điểm là nguyên tắc quan trọng, vừa bảo vệ nguồn vốn cũng đồng thời kiểm soát mức rủi ro. Vậy thực chất cắt lỗ là gì? Khi nào nên cắt lỗ?
1. Cắt lỗ là gì?
Cắt lỗ hiểu đơn giản là phương án để tránh trường hợp ngày càng bị lỗ. Nhà đầu tư nên bán cổ phiếu đang rớt giá hoặc biến động giảm mạnh để thu lại vốn.
Nhà đầu tư có thể tùy chỉnh cắt lỗ vào bất cứ thời điểm nào trong khi giao dịch mở. Đa số trong các giao dịch, lệnh cắt lỗ sẽ mặc định là 50% giá trị của vị thế nhà đầu tư.
Cắt lỗ yêu cầu sự kịp thời và dứt khoát. Không nên “tự tin thái quá” và ngoan cố để rồi khoản lỗ nằm ngoài tầm kiểm soát. Phần trăm lỗ dù có ít cũng không nên coi thường, nếu cần cắt thì phải dứt khoát. Khi thị trường nhiều biến động, giá cổ phiếu bắt đầu giảm và doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh đi xuống, ta nên cắt lỗ.
2. Tại sao nên cắt lỗ
Khi thấy cổ phiếu đang nắm giữ giảm giá, bạn thường mắc sai lầm xem nhẹ và lờ đi số % lỗ ít ỏi. Đồng thời cũng không lên kế hoạch để bảo vệ khoản đầu tư của mình. Vậy nên không thấy được hậu quả của hành vi “ôm lỗ” mang lại.
Điều quan trọng nhất cũng như mục đích cuối cùng của việc đầu tư chứng khoán là kiếm lời. Nếu nhà đầu tư không kịp thời thực hiện việc cắt lỗ thì khả năng “đổ nợ” là rất cao.
Dẫu việc cắt lỗ là một trong những điều mà bất cứ ai cũng không muốn thực hiện. Nhưng nếu không dứt khoát thì khoản lỗ sẽ ngày một lớn và có nguy cơ mất đi cả tiền vốn ban đầu. Công sức trước đó của nhà đầu tư như đổ sông đổ bể.
Nhiều nhà đầu tư mang tâm lý “Tôi dám mạo hiểm, tôi dám chịu rủi ro.” Thực sự mà nói thì rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng nhiều. Vậy nên nhiều lúc họ cho rằng mình đủ thông minh và kiến thức để trở thành người cười cuối cùng. Vì thế họ “ngoan cố” không tuân theo nguyên tắc cắt lỗ ngay từ đầu.
Nhưng cuộc đời đâu ai biết trước được chữ ngờ. Sự hiếu thắng và cái tôi cao của con người chính là thứ giết chết tất cả. Vậy nên nhà đầu tư cần học cách thua lỗ. Điều quan trọng nhất khi kiếm tiền là không được để khoản lỗ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Và cũng đừng tập trung vào việc kiếm tiền, cũng hãy nên tập trung bảo vệ những gì bạn có.
3. Khi nào nên cắt lỗ?
Theo nhà đầu tư chứng khoán Mỹ nổi tiếng Philip Arthur Fisher, thời điểm cắt lỗ tốt nhất là khi nhà đầu tư nhận thấy:
- Thị trường có nhiều biến động khiến cả những cổ phiếu tốt cũng giảm mạnh.
- Doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng kinh doanh sụt giảm, nhận định ban đầu về doanh nghiệp là sai.
- Khi nhà đầu tư tìm thấy một mã cổ phiếu khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn.
Trong trường hợp giá cổ phiếu giảm, quyết định cắt lỗ sẽ tùy thuộc vào:
- Mức độ chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư
- Khả năng biến động của cổ phiếu đó.
Thông thường, nhiều nhà đầu tư sẽ chọn bán cổ phiếu nếu cổ phiếu đó giảm 7%-8% so với giá mua vào. Ví dụ, nhà đầu tư mua cổ phiếu T. ở mức giá 54.000 đồng/cổ phiếu, nếu cổ phiếu T. giảm còn 50.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư nên cắt lỗ tại thời điểm này.
Việc cổ phiếu bị điều chỉnh giảm giá là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu một cổ phiếu được nhận định tốt mà giảm hơn 8% có nghĩa cổ phiếu đó hoặc thị trường đang bất ổn. Lúc này, nhà đầu tư cần bảo toàn vốn bằng cách cắt lỗ kịp thời. Bởi một cổ phiếu bắt đầu lao dốc thì sẽ không có dấu hiệu để nhận biết đáy ở đâu.
Nhà đầu tư cũng cần phải xem xét danh mục của mình trong bối cảnh thị trường chung. Đồng thời cũng xác định được vùng cung hay vùng cầu để có quyết định bán ra hợp lý, giảm thiểu tổn thất.
4. Cắt lỗ thế nào cho đúng
Trên thực tế, không có một quy tắc cụ thể nào quy định mức thua lỗ cho nhà đầu tư cả. Mỗi cá nhân là một chủ thế có tính cách, tư duy, tính kiên nhẫn cũng như sức chịu đựng khác nhau. Vì thế, mỗi nhà đầu tư phải tự xây dựng cho mình quy tắc “cắt lỗ” phù hợp với bản thân, và cũng không nhất thiết phải đặt ra mức giới hạn thua lỗ giống nhau cho mọi khoản đầu tư.
Một trong những nguyên tắc để để tránh trường hợp bị “sa ngã” của Omaha – Warren Buffett mà ta nên học hỏi:
Nguyên tắc 1: Không bao giờ để mất tiền
Nguyên tắc 2: Không bao giờ quên nguyên tắc 1
Điều làm Warren Buffett “không bao giờ để mất tiền” đó là việc ông luôn cố gắng làm tốt nhất việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư. Ông mua những doanh nghiệp tuyệt vời với giá cả phải chăng và nắm giữ chúng suốt đời mà không phải “cắt lỗ”. Thị trường về dài hạn là cỗ máy định giá hoàn hảo, và sớm hay muộn thì theo thời gian cổ phiếu rồi cũng sẽ tìm về giá trị thực của nó.
Một lời khuyên khác của phương pháp CANSLIM là “Luôn giới hạn mức thua lỗ tối đa 7 – 8% so với giá mua vào, không có ngoại lệ”. Tuy nhiên, không phải khi cổ phiếu đến ngưỡng giới hạn lỗ của bạn, thì bạn mới cắt lỗ. Bạn phải lên kế hoạch cắt lỗ ngay khi nhận ra sai lầm của mình và tìm cách giảm thiểu thiệt hại càng sớm càng tốt. Thậm chí ngay cả khi bạn mới chỉ lời lãi chút ít sau khi mua, bạn cũng cần xem xét rủi ro tiềm ẩn của nó nữa.
Ngoài ra ngay cả khi cổ phiếu tăng giá ngay sau khi bạn bán ra, thì bạn cũng không việc gì phải tiếc nuối. Bởi lẽ mục đích cuối cùng của bạn là giữ thua lỗ ở mức an toàn. Sau đó bạn sẽ vẫn còn tiền để đầu tư vào những cơ hội mới, tốt hơn trên thị trường.
5. Cách xác định điểm cắt lỗ
Cách 1: Dựa vào đường trung bình cộng (MA)
Cách này khá phổ biến và được nhiều nhà đầu tư áp dụng. Ta xác định điểm cắt lỗ thông qua việc theo dõi giá cổ phiếu có đạt tới ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự không. Các đường MA thường được sử dụng là MA9, 10, 20, 50, 100.
Cách 2: Dựa vào đường xu hướng (trendline) vùng hỗ trợ hoặc kháng cự
Nếu các vùng này bị thủng giá với khối lượng lớn, đồng nghĩa với việc xu hướng cổ phiếu có thể thay đổi. Nhà đầu tư phải nhanh chóng đặt lệnh cắt lỗ ở bên dưới vùng hỗ trợ trọng yếu.
Đối với các nhà đầu tư còn thiếu sót nhiều kinh nghiệm trên thị trường thì có thể nhận hỗ trợ từ các ứng dụng công nghệ. Các công ty chứng khoán sẽ có lệnh cắt lỗ tự động giúp bạn không bị cảm xúc lấn át khi đưa ra quyết định, nó cũng hạn chế rủi ro lỗ nặng hơn.
Tóm lại, trong đầu tư ai cũng muốn có được lợi nhuận. Tuy nhiên một vài trường hợp xảy ra tác động dẫn đến “cháy tài khoản”. Lúc này bắt buộc ta phải dứt khoát cắt lỗ. Người thành công là người biết “mềm nắn rắn buông”. Hãy không ngừng bổ sung kiến thức và rèn luyện kỹ năng để đạt được mục đích cuối cùng nhé.
Đọc thêm:

Tôi là Đặng Trọng Khang, người sáng lập & chia sẻ Phương Pháp Đầu Tư Chứng Khoán Theo LUẬT NHÂN QUẢ (Causality Investing). Một hệ thống mang tính ứng dụng rất cao và dễ dàng áp dụng, giúp mọi Nhà Đầu Tư đạt được thành công trong thị trường.