Nhiều nhà đầu tư mới sẽ không phân biệt được giá trị vốn hoá thị trường và giá trị thực sự của công ty. Vì vốn hoá thông thường sẽ tỷ lệ thuận với độ tin cậy, uy tín của công ty. Và tỉ lệ nghịch với mức độ rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp đó. Vậy giá trị vốn hoá thị trường là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé.
Vốn hóa thị trường là gì?
Vốn hoá thị trường (Market Capitalization) là tổng giá trị hiện tại của các tất cả cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của một doanh nghiệp. Một cách dễ hiểu hơn, vốn hóa thị trường của một doanh nghiệp chính là tổng số tiền cần phải bỏ ra để mua lại một doanh nghiệp đó tính theo giá thị trường tại thời điểm mua.
Vốn hóa thị trường = Giá cổ phiếu hiện tại x Cổ phiếu đang lưu hành
Vốn hóa thị trường là một chỉ số mô tả về quy mô của một công ty, không nên nhầm với giá trị thực sự của công ty
Ý nghĩa của vốn hoá thị trường
Vốn hóa thị trường là một trong các yếu tố đầu tiên và quan trọng khi đánh giá một doanh nghiệp. Bởi nó thể hiện một công ty có quy mô lớn hay nhỏ thông qua số lượng cổ phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Đồng thời biểu hiện được tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp. Thông qua đó, ta có thể biết được vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Từ đó cân nhắc và ra quyết định có nên đầu tư hay không.
Ngoài ra giá trị vốn hoá cũng hạn chế rủi ro thanh khoản của cố phiếu hiện hành. Doanh nghiệp có vốn hóa càng cao thì mức độ rủi ro càng thấp hơn và ngược lại. Ý nghĩa này giúp các nhà đầu tư tăng khả năng thoái vốn nhanh. Đồng thời không mất quá nhiều chi phí cho việc thoái vốn. Thêm vào đó cũng có thể đa dạng hoá danh mục đầu tư với các doanh nghiệp có các vốn hoá khác nhau.
Các loại vốn hoá thị trường
Dựa theo mức vốn hóa thị trên thế giới cũng như tại Việt Nam sẽ có sự phân chia các doanh nghiệp thành các nhóm khác nhau.
Cách phân chia nhóm vốn hóa thị trường trên thế giới
Không có bất kỳ chuẩn mực nào về việc phân loại vốn hóa của mỗi doanh nghiệp. Nhưng xét theo mức độ tương đối, có thể chia vốn hóa doanh nghiệp trên thế giới thành 6 nhóm chính sau đây:
- Mega Cap: nhóm vốn hóa trên 200 tỷ USD (ví dụ Amazon, Google, Berkshire Hathaway,…)
- Big/Large Cap: nhóm vốn hóa từ 10 đến 200 tỷ USD
- Mid Cap: nhóm vốn hóa từ 2 đến dưới 10 tỷ USD
- Small Cap: nhóm vốn hóa từ 300 triệu đến 2 tỷ USD
- Micro Cap: nhóm vốn hóa từ 50 triệu đến 300 triệu USD
- Nano Cap: nhóm vốn hóa dưới 50 triệu USD
Theo thời gian các con số này cũng sẽ thay đổi. Bởi về dài hạn thị trường chứng khoán sẽ luôn tăng giá cũng như vốn hóa của các doanh nghiệp ngày càng lớn hơn.
Cách phân chia nhóm vốn hóa thị trường tại Việt Nam
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, các tên gọi như Blue chip, Penny, Midcap,…cũng một phần thể hiện cho mức vốn hóa của cổ phiếu.
Tại Việt Nam vốn hóa được chia thành các nhóm nhỏ sau đây:
- Large Cap (công ty có vốn hóa lớn): có mức vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng
- Mid Cap (công ty có vốn hóa trung bình): có mức vốn hóa từ 1.000 tỷ đến 10.000 tỷ đồng
- Small Cap (công ty có vốn hóa nhỏ): có mức vốn hóa từ 100 tỷ đến 1.000 tỷ đồng
- Micro Cap (công ty có vốn hóa siêu nhỏ): có mức vốn hóa dưới 100 tỷ đồng
Những yếu tố ảnh hưởng đến vốn hoá thị trường
Có 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến vốn hóa thị trường thông qua công thức tính. Đó là số lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường và thị giá của các loại cổ phiếu đó.
Trong đó, thị giá cổ phiếu chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Không chỉ từ phía nội tại doanh nghiệp mà còn các vấn đề vĩ mô, lãi suất, lạm phát, sự kiện xã hội… Còn số lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng sẽ có sự thay đổi theo thời gian. Tùy thuộc doanh nghiệp có phát hành thêm cổ phiếu mới hoặc mua vào cổ phiếu quỹ. Giả sử rằng giá cổ phiếu không thay đổi. Thì vốn hóa của doanh nghiệp sẽ tăng khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu, và sẽ giảm khi doanh nghiệp mua lại cổ phiếu.
Tuy nhiên vốn hóa sẽ không bị ảnh hưởng bởi tác động từ việc chia tách cổ phiếu. Lý do là bởi khi một cổ phiếu được chia tách thì số lượng cổ phiếu sẽ tăng lên. Kèm theo đó thị giá của cổ phiếu sẽ giảm theo một tỷ lệ tương ứng. Chính vì vậy mà vốn hóa của doanh nghiệp vẫn giữ nguyên không đổi.
Do vậy, vốn hóa thị trường sẽ có tính thời điểm, biến động tăng giảm liên tục. Chứ không phải cố định và phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị thực sự của doanh nghiệp đó.
Một số lưu ý về vốn hoá thị trường
Tùy vào mức độ hiểu biết cũng như mục tiêu cụ thể mà mỗi nhà đầu tư sẽ có chiến lược đầu tư riêng. Bên cạnh đó, số vốn nhỏ hay lớn dẫn đến những chiến lược đầu tư khác nhau. Hiện nay có tới 75% – 80% giá trị giao dịch cổ phiếu đang tập trung vào nhóm 30 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất. Mặc dù vậy, ta vẫn nên rà soát lại toàn bộ thị trường. Để từ đó tìm ra những mã cổ phiếu có tiềm năng đem lại lợi nhuận cao. Dưới đây là những điều mà nhà đầu tư cần lưu ý về vốn hóa trước khi quyết định đầu tư:
- Các nhà đầu tư dễ bị hiểu lầm giữa vốn hóa và giá trị của doanh nghiệp. Vì nó rất dễ bị nhầm khi phân tích về thị giá cổ phiếu giữa các doanh nghiệp với nhau.
- Bên cạnh vốn hóa thì các nhà đầu tư nên tìm hiểu các thông tin khác về doanh nghiệp nữa. Để từ đó có thể đưa ra những đánh giá và quyết định đúng đắn.
- Nên hạn chế áp dụng phân tích kỹ thuật đối với các doanh nghiệp có vốn hóa quá nhỏ. Đặc biệt là các doanh nghiệp có tính đầu cơ. Vì thường nó không minh bạch trong việc công bố báo cáo tài chính và các thông tin liên quan. Điều này rất dễ gây ra nhiều rủi ro về sau.
- Khi so sánh giữa các doanh nghiệp, nên xem xét doanh nghiệp có số vốn hoá thị trường cao hơn (giả sử các yếu tố khác là như nhau). Do những doanh nghiệp này thường là doanh nghiệp đầu ngành. Nên ta có thể an tâm đầu tư vào.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về vốn hoá thị trường. Hi vọng giúp các nhà đầu tư có thể hiểu thêm về thuật ngữ quá đỗi quen thuộc này. Và điều luôn nhắc trong mọi bài viết là, việc làm đầu tiên của đầu tư là biết xây dựng danh mục đầu tư của mình. Việc danh mục chứa nhiều nhóm vốn hóa sẽ giúp các nhà đầu tư giảm thiểu được rủi ro trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nhà đầu tư nên cân nhắc các yếu tố dưới đây:
- Mục tiêu của bạn về tài chính
- Mức độ chấp nhận rủi ro của bạn
- Khoảng thời gian đầu tư
- Mức độ am hiểu và kiến thức của bạn
Nhờ đó bạn có thể tối ưu và hiệu quả lợi nhuận mà vẫn nằm trong ngưỡng rủi ro có thể chấp nhận. Chúc các bạn thành công.
Kiến thức bổ sung:
- Bán chui cổ phiếu là gì
- Bán giải chấp cổ phiếu là gì
- Bán khống cổ phiếu là gì
- Cách chọn cổ phiếu tốt
- Cổ phiếu Blue chip
>>Đăng ký và nhận tài liệu chứng khoán miễn phí: tại đây

Tôi là Đặng Trọng Khang, người sáng lập & chia sẻ Phương Pháp Đầu Tư Chứng Khoán Theo LUẬT NHÂN QUẢ (Causality Investing). Một hệ thống mang tính ứng dụng rất cao và dễ dàng áp dụng, giúp mọi Nhà Đầu Tư đạt được thành công trong thị trường.